Triển lãm "Lửa thiêng rực sáng sử vàng" tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10) là một trong những hoạt động chào mừng Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2567). Tại đây, BTC trưng bày 90 bức ảnh về cuộc đời và đạo hạnh của bồ tát Thích Quảng Đức và nhiều hiện vật kỷ niệm 60 năm ngày ông cùng một số phật tử tự thiêu để phản đối chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Tượng sáp Hòa thượng Thích Quảng Đức trưng bày tại triển lãm mô phỏng lúc ông viết lời nguyện tâm huyết trước khi tự thiêu.

Trong đêm đen của Pháp nạn Phật lịch 2507 - 1963, Bồ tát Thích Quảng Đức đã phát đại nguyện: "Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Trụ trì chùa Quán Thế Âm - Phú Nhuận nhận thấy nước nhà đương lúc ngả nghiêng, là một tu sĩ mệnh danh trưởng tử của Như Lai không lẽ tôi cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật pháp tiêu vong. Tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo...".

Trưa 20/4 năm Quý Mão (11/6/1963) ánh đuốc Quảng Đức đã bùng lên tại ngã tư Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, Sài Gòn (nay là Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) trong câu niệm Phật của hàng ngàn tăng, ni, Phật tử bao quanh. Sau ngọn lửa bồ tát Quảng Đức có thêm gần 50 tăng, ni, Phật tử cũng phát nguyện hiến mình cho đạo pháp trường tồn.

Thi thể của ông được thỉnh về chùa Xá Lợi làm tang lễ. Theo nhiều nhân chứng, sau khi nhục thân biến thành tro thì quả tim hòa thượng vẫn còn, trở thành một khối rắn như đá với hình dáng nguyên vẹn một cách lạ thường. Xá lợi trái tim của hòa thượng được đặt tại Bảo tháp Việt Nam Quốc Tự.

2000 năm trôi qua, dòng chảy của đạo Phật chưa bao giờ bị đứt gãy, chưa bao giờ có những khoảng lặng. Những phát biểu, tuyên ngôn của Phật giáo lý giải xoay quanh hành động tự thiêu của hòa thượng: "Chúng tôi nguyện đem xương máu, trang trải cho Phật pháp. Nếu chết là chết như cái chết của chân lý trước bạo lực chứ không phải bạo lực này chết vì kém bạo lực khác". Cùng với Hòa thượng Thích Quảng Đức, nhiều phật tử khác cũng tự thiêu để giữ gìn đạo pháp.

Trong suốt quá trình tham quan triển lãm, chị Lê Thị Kim Nghĩa (quận 1) tỉ mỉ kể cho các con về cuộc đời và đạo hạnh của Hòa thượng Thích Quảng Đức. "Thông qua những bức hình liệu quý giá, tôi mong rằng các con có thể nhìn thấy, có thể hiểu rằng trong đạo Phật, tất cả mọi người sống trong hoà bình phải nhường nhịn lẫn nhau, yêu sự thật, ghét sự dối trá", chị chia sẻ. 

Đại gia đình 3 thế hệ của anh Trần Văn Đức (quận Tân Bình) đều theo Phật và thường dành thời gian quây quần cùng nhau trong những ngày lễ Phật. "Hai cụ trong nhà năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn đến lễ chùa cùng gia đình và hôm nay có cơ hội tham quan triển lãm ý nghĩa này", anh Đức nói.

Triển lãm trưng bày 90 bức ảnh chủ yếu là bồ tát Quảng Đức trong pháp nạn 1963 cùng nhiều hiện vật tiêu biểu của Phật giáo như tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân, tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Bút Tháp,... 

Nhiều phật tử tham quan triển lãm xúc động khi thấy những bức ảnh quý giá chưa từng được công bố về bồ tát Thích Quảng Đức. Đại lễ Phật đản là một trong những sự kiện lớn nhất của người con Phật nói riêng cũng như những người có tình cảm với đạo Phật nói chung.